4 sai lầm trong cách xử lý khủng hoảng truyền thông của nghệ sĩ Hoài Linh trong sự việc 14 tỷ
4 sai lầm trong cách xử lý khủng hoảng truyền thông của nghệ sĩ Hoài Linh trong sự việc 14 tỷ
Trong một tháng vừa qua, nghệ sĩ Hoài Linh đang là một cái tên rất hot trên mạng xã hội. Không phải vì những cống hiến suốt 30 năm của nam nghệ sĩ, mà là bởi nghi vấn “ém tiền cứu trợ”, cùng những pha xử lý “đi xuống lòng đất” của Hoài Linh và ekip.
Trong bài viết này, VSS sẽ chỉ ra và phân tích 4 sai lầm được coi là nguồn cơn dẫn đến việc “sai càng thêm sai” của ekip danh hài Hoài Linh. Đồng thời cũng đưa ra những bài học mà VSS đã đúc kết được qua case-study này.
Các bạn hãy cùng theo dõi nhé!
Sai lầm 1: Im lặng đối với những scandal trước đó
Trước vụ việc này, danh hài Hoài Linh đã liên tục bị bà Phương Hằng tố tiếp tay cho “thần y” Võ Hoàng Yên đi lừa đảo người khác trong các livestream của mình.
Trong tình huống này, cách xử lý của nghệ sĩ Hoài Linh lại chính là “im lặng” không lên tiếng gì về vấn đề này. Điều này kiến cho một bộ phận lớn khán giả hoang mang, thêm vào đó một loạt những hình ảnh ông Yên và nghệ sĩ Hoài Linh cười nói vui vẻ, thân thiết với nhau trong những buổi chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên cũng được dân cư mạng truyền tay nhau, lại khiến nhiều người càng tin vào những gì bà Hằng nói.
Và đương nhiên, khi niềm tin dành cho bà Hằng tăng lên thì sự nghi ngờ của công chúng dành cho nghệ sĩ Hoài Linh cũng càng tăng lên.
Tin đồn về việc danh hài Hoài Linh “ém tiền cứu trợ” được tung ra ngay lập tức đã thành giọt nước tràn ly, khiến cho cư dân mạng bức xúc, điều mà trực tiếp đã gây ra scandal lần này.
→ Bài học: Khủng hoảng truyền thông có thể bắt đầu từ những tin đồn, nghi vấn nhỏ nhất nếu không có cách xử lý đúng đắn ngay từ đầu. Trong trường hợp này, khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp của nghệ sĩ Hoài Linh bắt đầu từ hành động im lặng của anh và cả ekip trước những tin đồn bất lợi trước đó.
Sai lầm 2: Chậm trễ trong xử lý khủng hoảng
Không chỉ im lặng với những lời tố giác liên tục từ bà Phương Hằng. Ngay cả khi scadal đã nổ ra nam danh hài cũng rất chậm trễ trong việc thanh minh cho mình.
Cụ thể, ngày 21.5 trên mạng đã xuất hiện hình ảnh chứng minh nghệ sĩ Hoài Linh đã chuyển tiền bị dân cư mạng bóc phốt là giả.
Trong suốt khoảng thời gian đó, ekip của ông không hề phản hồi, hay có bất cứ động thái trước công chúng, mà cho đến tận ngày 24.5 (3 ngày sau), nam danh hài mới chính thức có một video đăng trên kênh Youtube của báo Tuổi Trẻ lên tiếng xác nhận về việc chậm trễ tiền cứu trợ.
Sự chậm trễ này kiến dân cư mạng cảm thấy nghệ sĩ có ý muốn trốn tránh, không muốn làm rõ sự việc, đến khi dân cư mạng nghi ngờ và liên tục tạo sức ép, thì mới chính thức lên tiếng biện hộ.
→ Bài học: Không phải tự nhiên chiến lược “tiên phát chế nhân” - tiến công kẻ địch trước giành thế chủ động được nhiều vị tướng tài ba trong đó có Lý Thường Kiệt sử dụng trong các cuộc chiến. Ngay từ khi chỉ mới có tin bóng gió, gây ra nghi vấn, chưa đạt đến mức khủng hoảng, ekip nghệ sĩ Hoài Linh ngay lập tức đã phải có những hành động nhanh chóng nhằm bình ổn dư luận và ngăn chặn những tin đồn thất thiệt nhưng họ lại không làm vậy, dẫn đến sự việc trở nên cao trào.
Sai lầm 3: Không hiểu rõ đối tượng hướng đến
Danh hài Hoài Linh không phải nghệ sĩ đầu tiên, trước anh, ca sĩ Thủy Tiên cũng đã vướng phải nghi vấn không minh bạch khoản tiền quyên góp.
Cách xử lý lúc đó của cô là công khai hàng loạt các bảng sao kê ngân hàng, các biên bản có xác nhận dấu đỏ của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến các khoản chênh lệch đều được giả thích rõ ràng cho công chúng hiểu.
Đó chính là điều công chúng mong đợi vào lúc này. Nhưng nam danh hài đã không làm vậy.
Thay vào đó, trong video “thanh minh” của mình, anh đưa ra một lý do hết sức sơ hở cho việc thất trách của mình, đó là do dịch bệnh. Nói đây là một lý do sơ hở bởi từ khi nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi từ thiện đến nay, dịch bệnh bùng phát theo từng đợt chứ không phải liên tiếp.
Bên cạnh lý do thiếu thuyết phục nam nghệ sĩ cũng liên tục đưa ra thông điệp: “Nếu mà lấy sự nghiệp 30 năm của mình đánh đổi mười mấy tỷ này, thì có nên không?”
Vào thời điểm này, thì thông điệp của anh vô tình bị phản tác dụng, tạo cho người xem cảm giác giống như câu nói: “Nhà tôi thiếu gì tiền việc gì mà phải lừa lấy ít tiền đấy".
Hơn nữa, ở phía công chúng họ sẽ mong muốn thấy được sự hối lỗi của danh hài, nhưng thái độ của nghệ sĩ Hoài Linh khi đưa ra lời xin lỗi không thực sự thể hiện đúng bản chất của một video xin lỗi.
Suốt từ đầu đến cuối video đầu tiên, anh tỏ ra hết sức bình thường, không có dáng vẻ của một người cần ăn năn hối lỗi. Vẫn thỉnh thoảng cười, trò chuyện với công chúng một cách thản nhiên.
Trong khi dư luận chờ đợi một sự minh bạch, bằng chứng rõ ràng, thì việc phía ekip danh hài Hoài Linh không hiểu khán giả, dẫn đến việc nam nghệ sĩ vòng vô, đưa ra những lý do, biện hộ cho hành động của mình, khiến cho lòng tin của cộng đồng không còn lại bao nhiêu, cũng là sai lầm của chiến dịch xử lý khủng hoảng truyền thông lần này.
→ Bài học: Muốn bán được hàng thì phải hiểu khách hàng, muốn “bình ổn” dư luận thì phải hiểu dư luận muốn gì để đánh đúng vào đó. Chính sự không hiểu rõ đối tượng mà mình hướng đến đã khiến ekip nghệ sĩ Hoài Linh đưa ra một video “thanh minh mà không giống thanh minh”, “xin lỗi cũng chẳng giống xin lỗi”, gây phản tác dụng khiến hình ảnh của nam danh hài thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn trong mắt công chúng.
Sai lầm 4: Sự minh bạch muộn màng vẫn đầy lỗ hổng
Sau hàng loạt những sự sai lầm về mặt xử lý truyền thông dẫn đến sự phẫn nộ của công chúng, đầu tháng 6, hàng loạt bài báo bắt đầu đưa tin nghệ sĩ Hoài Linh giải ngân thần tốc số tiền 14 tỷ chỉ trong chưa đến 1 tuần. Ngày 05.06.2021, nam danh hài cũng có một video giải trình đầy các khoản tiền giải ngân cứu trợ trong thời gian vừa qua.
Cách xử lý này nếu xét trên khía cạnh lý thuyết của việc xử lý khủng hoảng truyền thông thì là đúng. Khi vướng phải nghi vấn liên quan đến việc không minh bạch về tiền cứu trợ thì đúng là nghệ sĩ Hoài Linh nên nhanh chóng “xử lý” số tiền đang bị tồn động và minh bạch hết tất cả các khoản thu chi.
Tuy nhiên, hành động giải ngân ngay trong thời điểm dịch bệnh đang ở mức đỉnh điểm lại như là một “cú vả” đối với lý do “hoãn 6 tháng do dịch bệnh” mà nam nghệ sĩ đã đưa ra trước đó.
Nhiều dân cư mạng còn nói đùa “mùa nắng lại đi cứu trợ mùa bão”, “dân miền Trung đang ăn lẩu lại bắt húp mỳ tôm”, …
Trong video giải trình của mình, cách nam nghệ sĩ giải thích lý do tại sao giải ngân trong “đỉnh dịch” cũng hết sức không thuyết phục. Trong video của mình, nam nghệ sĩ nói:
“Tình hình dịch bệnh căng thẳng, tôi biết là mình chưa chắc mình đã đi được trong thời gian nào sớm nhất nên là sau những cái suy nghĩ và những cái góp của mọi người tôi đã quyết định nhờ người thân ở Quảng Nam đó là anh Tự thay mặt tôi gửi đến số tiền này cho bà con.”
Ngoài ra ở video thứ 2 này, mặc dù xin lỗi đến 3, 4 lần nhưng vẫn chưa đủ xoa dịu khán giả bởi chưa đủ “chân thành” cũng bởi lỗi không hiểu rõ đối tượng mà mình hướng đến.
Cụ thể một tài khoản chia sẻ:
“Xin lỗi "chân thành" 3, 4 lần nhưng vẫn là xin lỗi công chúng chung chung. Cái anh cần xin lỗi là các mạnh thường quân đã ủy nhiệm niềm tin cho anh và bà con vùng lũ…”
Tuy nhiên trong video xin lỗi muộn màng này, ít nhất nghệ sĩ Hoài Linh và ekip của anh cũng đã minh bạch và làm rõ được các khoản tiền ủng hộ cho bà con và lý do dẫn đến việc tại sao anh lại hoãn việc làm từ thiện đến tận 6 tháng.
→ Bài học: Minh bạch, rõ ràng, và xin lỗi chân thành nếu thật sự phạm lỗi là một trong những chìa khóa giúp giải quyết khủng hoảng truyền thông. Đặc biệt là khi đại bộ phận dân cư mạng ở Việt Nam vẫn có tâm lý “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Ngoài ra, khi thực hiện truyền thông cũng nên xâu chuỗi tất cả những phát ngôn và số liệu mình đã đưa ra trước đó, để đảm bảo tính nhất quán xuyên suốt trong thông điệp mình muốn truyền tải.
Kết luận
Có thể nói từ việc chậm chạp mãi không chịu lên tiếng, khi lên tiếng thì lại quanh co lòng vòng, đến khi sự việc đã tạm lắng xuống thì lại giải ngân hết số tiền ùn đọng 6 tháng chỉ trong 3, 4 ngày, … tất cả đã cho thấy sự yếu kém trong khâu xử lý khủng hoảng truyền thông của team nghệ sĩ Hoài Linh.
Hy vọng qua case-study và phần bình luận phân tích của VSS, các bạn sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về vụ việc lần này, về lý do tại sao team của nam danh hài có vẻ đã nỗ lực hết sức nhưng lại làm tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Nếu bạn có bất cứ ý kiến hay đóng góp gì cho bài viết, hãy để lại bình luận trên fanpage của VSS nhé. Chúng mình rất chờ mong những ý kiến của bạn!
Tin tức nổi bật
Hoạt động VSS Corp
Nhận tư vấn
Họ và tên: *
Email: *
Số điện thoại: *
Bạn muốn tư vấn? *